Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

“ĂN CHẶN” THUẾ VAT


Dù quy định giá niêm yết là giá đã có VAT, phí dịch vụ phải tính trước thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng bán lẻ vẫn “lơ” việc này. Người tiêu dùng vì không hiểu về cách tính thuế nên luôn bị thiệt thòi.

Chị Nguyễn Thanh Tâm ngụ ở quận 10, TP HCM, tối thứ bảy vừa qua cùng gia đình dùng thức ăn tại nhà hàng T.H (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), với hóa đơn thanh toán gần 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, trong phiếu tính tiền không phải là giá nhà hàng ghi trên menu và cũng không phải là giá ghi trên bảng hiệu.




“Ăn thêm”… 15%

Nếu cộng 5 món ăn mà gia đình chị Thanh Tâm gọi theo hóa đơn, thì giá tiền chưa đến 1,2 triệu đồng, nhưng nhà hàng cộng thêm gần 120.000 đồng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), cộng thêm phí dịch vụ 30.000 đồng. Như vậy, chưa tính tiền nước uống và bia, gia đình chị Tâm đã mất đến 150.000 đồng mà… không được báo trước.


Tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn tại các hộ kinh doanh nhỏ, các cửa hàng kinh doanh hàng quần áo và tiệm ăn uống. Tại quán ăn S. (đường Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận), dù thực đơn chỉ “niêm yết” giá 30.000 đồng một phần cơm, nhưng khi tính tiền, khách phải trả lên 33.000 đồng. Ngoài ra còn cộng thêm phí dịch vụ khoảng 1.500 đồng. Tổng cộng khách ăn một phần cơm trưa phải trả thêm 4.500 đồng “phụ trội” so với giá cơm quán niêm yết, mà không được giải thích lý do.



Theo tính toán của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, kế toán viên, chuyên báo cáo thuế của công ty L.V (quận Bình Thạnh), người tiêu dùng đã mất gần 12% cho thực đơn nói trên. “Thuế đã tính trong giá niêm yết. Như vậy, 30.000 đồng đã bao gồm cả thuế VAT và phí dịch vụ. Nên trong trường hợp trên, nhà hàng “ăn thêm” 4.500 đồng của khách hàng. Nếu người tiêu dùng không lấy hóa đơn, thì nhà hàng còn “ăn” nhiều hơn”. Chị Thảo cũng cho biết, nhiều nơi tính phí dịch vụ đến 10%, và phí này tính sau thuế. Như vậy, người tiêu dùng sẽ mất khoảng 15% trên mỗi hóa đơn, nhưng không biết. 

Đổ lỗi thủ tục

Thực tế, nhiều người tiêu dùng không hề hay biết quy định về tính thuế, nên mặc cho người bán “muốn tính thế nào” tùy thích. Nhưng, một số người dù biết vẫn “bỏ qua”.  Chị Nguyễn Thanh Tâm, thạc sĩ MBA, giám đốc tài chính của một công ty kinh doanh mặt hàng trang trí nội thất có vốn của Hà Lan, khách hàng của tiệm T.H nói trên, đã không yêu cầu nhà hàng phải xuất cần hóa đơn, giải thích: “Mình có mã số thuế cá nhân từ năm  2009 nhưng giờ cũng chưa biết có được giảm thuế khi tiêu dùng hay không, nên lấy cũng chẳng để làm gì. Với lại, thủ tục hoàn thuế TNCN hiện vẫn khá phức tạp, nên tốt nhất là… bỏ qua”.
.



Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng, Cục Thuế TP HCM, cho biết, theo quy định, các hộ kinh doanh phải kê khai thuế trực tiếp, nghĩa là giá bán là giá đã có VAT và “du lịch phí” chỉ dành cho các dịch vụ khách sạn, du lịch, ăn uống, loại phí này phải tính trước thuế VAT. Lợi dụng sự “thiếu hiểu biết” của người tiêu dùng, các hộ kinh doanh, nhà hàng đã “nâng giá” theo kiểu đó. 

Bà Hương cũng cho rằng, một phần của việc để “doanh nghiệp” lợi cả đôi đường, vừa tính thuế VAT, vừa không xuất hóa đơn, còn do thủ tục hành chính về thuế TNCN hiện vẫn rườm rà và chưa thuận tiện. “Trong tương lai, khi tiêu dùng có hóa đơn, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế, nhưng hiện nay chúng ta chưa có việc này”, bà Hương thừa nhận.
Theo Báo Đất Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét